Thực hư về công dụng chữa bệnh của nhung hươu

Thực hư về công dụng chữa bệnh của nhung hươu

Ngày đăng: 25/03/2024 04:20 PM

1. Nguồn gốc của vị thuốc nhung hươu
 

Nhung hươu còn có tên gọi khác là ban long châu, quan lộc nhung, hoàng mao nhung, huyết nhung. Đây là phần sừng non của con hươu, con nai đực từ 3 tuổi trở đi.

Hươu là loài động vật nhỏ có vú thuộc họ nhai lại. Hươu trưởng thành thường cao khoảng 0.72 – 1m, dài khoảng 0.9 – 1.2m. Lông hươu màu đỏ hồng, mịn có nhiều đốm trắng. Con nai to hơn và mạnh hơn con hươu, nai lông cứng hơn, có màu xám, nâu và không có đốm.

Cả hai loại động vật này đều có chân dài nhỏ, đuôi ngắn, mắt to, dưới mắt có nhiều đốm đen. Chỉ những con đực có sừng được sử dụng để bào chế dược liệu nhung hươu, lộc nhung.

Các loại nhung hươu được sử dụng phổ biến bao gồm:

  • Huyết nhung: Là phần nhung ngắn mềm, mọng máu, chưa phân nhánh. Huyết nhung được xem là loại nhung hươu quý nhất và có dược tính đặc biệt cao.
  • Nhung yên ngựa: Là những chiếc sừng non mới bắt đầu phân nhánh nhưng các nhánh còn ngắn, phần phân nhánh bên dài bên ngắn giống như yên ngựa nên có tên gọi như vậy. Cần phải canh thời gian, khi thu hoạch nhung hươu, bởi nếu như để nhung phát triển thành sừng thì giá trị sử dụng thấp.

Hàng năm vào cuối mùa hạ, sừng của con hươu, nai sẽ rụng đi, vào mùa xuân năm sau sẽ mọc sừng mới. Mặt ngoài sừng thường có nhiều lông tơ màu nâu nhạt, bên trong sừng có chứa nhiều mạch máu.

Mùa lấy nhung của hươu, nai vào tháng 2 – 3 hàng năm. Vì vậy thợ săn thường đi săn vào mùa này để lấy được nhung hươu chất lượng cao. Tuy nhiên, do nhu cầu sử dụng nhung hươu ngày càng tăng cao do đó một số nơi ở nước ta như Nghệ An, Hà Tĩnh đã tiến hành nuôi nhốt hươu, nai để cưa sừng tiêu thụ.

Khi cắt nhung hươu, nai cần cắt từ chỗ cách đáy nhung 3 – 4 cm. Máu chảy ra khi cắt nhung có thể được hứng và cho vào rượu uống để tăng cường sinh lý. Muốn cầm máu thì dùng mực tàu trộn với than gỗ sau đó bôi vào vết cắt, sau đó dùng vải băng lại để tránh côn trùng.
 

Nhung hươu sau khi cắt cần sơ chế ngay bởi vì nó có nhiều máu thịt, để lâu rất dễ bị hôi thối, dòi bọ. Có rất nhiều cách bào chế, bao gồm:

  • Nhúng cả cặp nhung hươu vào rượu để một đêm. Khi ngâm nên để vết cắt hướng lên trên để tránh các chất tốt trong nhung tan vào rượu. Ngày hôm sau rang cát cho nóng vừa cho vào một cái ống và để cặp nhung hươu vào giữa, vẫn hướng chỗ cắt lên trên. Nếu cát nguội thì thay cát nóng mới, mỗi lần thay cát lại nhúng nhung hươu vào rượu để rượu thấm vào. Làm như thế cho đến khi nhung hươu khô hẳn. Có thể thay cát bằng gạo rang, sau khi nhung hươu khô dùng gạo này để nấu cháo ăn.
  • Tẩm rượu vào nhung hươu rồi sấy khô, khô lại tẩm rượu và sấy khô. Cứ làm như thế cho đến khi nhung khô kiệt là được. Tuy nhiên, khi bào chế cần cẩn thận để không làm nhung hươu bị nứt, chảy máu làm mất giá trị của vị thuốc.

Một cặp nhung hươu khoảng 800g sau khi bào chế có thể thu được khoảng 250g dược liệu.


Trong nhung hươu có chứa các thành phần như:

  • Canxi Cacbonat
  • Canxi Phosphat
  • Protid
  • Chất keo
  • Kích tố (testosteron, pentocrin...)
  • Hơn 17 loại Acid Amin
Nhung hươu

Nhung hươu là một vị thuốc quý có rất nhiều công dụng


2. Nhung hươu có tác dụng gì?
 

"Nhung hươu có tác dụng gì?" Trong Y Học Cổ Truyền, nhung hươu là vị thuốc có vị ngọt, tính ôn, đi vào các kinh can, thận, tâm và tâm bào. Nhung hươu có tác dụng làm đầy tinh huyết, nhuận phế kim, mạnh nguyên dương. Vị thuốc nhung hươu rất tốt cho người có thể trạng yếu, cứng gân, người hư lao, phụ nữ băng huyết, rong huyết. Ngoài ra nhung hươu còn bổ thận, tráng dương, tốt cho nam giới.
 

Nhung hươu thường được dùng để:

  • Bổ thận tráng dương, sinh tinh.
  • Hỗ trợ trong điều trị liệt dươngxuất tinh sớmyếu sinh lý.
  • Tăng cường sức khỏe tổng thể, giúp cho cơ thể khỏe mạnh dẻo dai.
  • Tăng nội tiết tố nam, làm chậm quá trình mãn dục ở nam giới.


Theo Y Học Hiện Đại, nhung hươu có tác dụng:

  • Nhung hươu làm cường tráng cơ thể, giảm mệt mỏi, nâng cao khả năng tập trung, cải thiện giấc ngủ, tăng cảm giác thèm ăn, cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng và rối loạn chuyển hóa đạm.
  • Nhung hươu làm tăng lưu lượng máu ở động mạch vành, giúp tim co bóp mạnh hơn, giúp nhịp tim đập chậm lại.
  • Nhung hươu có tác dụng tăng cường hệ thống miễn dịch, tăng số lượng hồng cầu, huyết sắc tố và tăng sinh các tế bào hồng cầu, bạch cầu.
  • Tác dụng chống lở loét.
  • Có tác dụng giúp tăng nhanh về cân nặng và chiều cao.
  • Nhung hươu có tác dụng giúp tăng sự phục hồi của xương gãy và giúp vết thương hở nhanh lành.

Lộc nhung thường chỉ tán nhỏ thành bột, hòa nước dùng uống, không cho vào thuốc sắc. Có thể dùng một vị lộc nhung hoặc phối hợp với các vị thuốc khác đều được. Liều lượng khuyến cáo: 1.2 – 4g lộc nhung mỗi ngày.
 


3. Các cách sử dụng nhung hươu tươi
 

Có nhiều phương pháp để chế biến, sử dụng nhung hươu tươi, trong đó phổ biến như là nhung hươu ngâm mật ong, ngâm rượu hay nấu thành món ăn...
 

3. 1. Nhung hươu ngâm mật ong
 

Nhung hươu tươi đem rửa sạch bằng rượu và gừng, sau đó cạo sạch lớp lông ngoài rồi thái lát. Sau đó cho vào trong mật ong nguyên chất ngâm với tỷ lệ 100g nhung hươu tươi ngâm với 250ml mật ong.

Thời gian ngâm là 100 ngày, sau đó có thể ăn trực tiếp, cứ 2 ngày ăn một lần, mỗi lần ăn 2-3 lát kèm mật ong.
 

3. 2. Nhung hươu ngâm rượu
 

Nhung hươu ngâm rượu với tỷ lệ 20g nhung hươu đã sơ chế, thái lát ngâm vào trong 500ml rượu, sau 14 ngày là có thể uống được. Mỗi lần chỉ uống 1 thìa cà phê, ngày uống từ 1-2 lần trước bữa ăn. Loại rượu này rất tốt cho sức khỏe nam giới.

Ngoài ra bạn có thể ngâm rượu nhung hươu kết hợp các thảo dược khác như là đông trùng hạ thảo, bột sơn dược... để tăng hiệu quả. Cần lưu ý không dùng quá liều lượng cần thiết.
 

3. 3. Nhung hươu tươi nấu cháo
 

Nhung hươu tươi đem thái mỏng và băm nhỏ. Nấu cháo trắng, khi cháo đã chín nhừ mới cho nhung hươu đã băm nhỏ vào đun thêm khoảng 3-5 phút và thưởng thức.
Cháo nhung hươu tốt cho phụ nữ, trẻ em, người già yếu... có tác dụng bồi bổ sức khỏe, nên chia ra ăn 2 lần/ngày.
 

3. 4. Các bài thuốc chữa bệnh từ nhung hươu tươi
 

Ngoài việc sử dụng trực tiếp nhung hươu tươi như trên, đây còn là thành phần trong nhiều bài thuốc chữa bệnh như:

  • Bài thuốc chữa sinh lý nam, khó đậu thai, tiểu lắt nhắt, tứ chi lạnh, mỏi gối: Sử dụng 40g nhung hươu tươi đã qua xử lý và giã nát. 40g hoài sơn giã nát. Cho nguyên liệu vào túi vải, ngâm chung với 1 lít rượu trong thời gian 7 ngày. Sau đó mỗi ngày chỉ nên uống 10-20ml. Phần bã sau đó tán mịn thành viên để uống.
  • Chữa thiếu máu, điếc tai, cải thiện chứng đau lưng, thận yếu: Sử dụng 40g nhung hươu tươi đã sơ chế cùng với 40g đường quy, đem sao khô cả 2 vị thuốc rồi tán thành bột, làm hoàn bằng hạt đỗ, người lớn uống 50 viên/ngày chia làm 2-3 lần với nước cơm ấm.
  • Chữa huyết áp thấp, thể chất hư nhược, người gầy gò, chân tay lạnh, sợ lạnh, liệt dương, đái đêm... Sử dụng nhung hươu tươi tán thành bột, cho 0,5-1g vào trong một quả trứng gà hấp chín, ăn vào buổi sáng khi đói bụng.

Nhung hươu ngâm mật ong

Nhung hươu còn được gọi là ban long châu


4. Nhung hươu ngâm rượu có tác dụng gì?
 

Rượu ngâm nhung hươu được cho là “thượng dương” phát sinh khí tốt. Sự kết hợp hài hòa giữa lộc nhung và rượu mang lại một số tác dụng có thể kể đến như:

  • Bồi bổ cơ thể, tăng sức đề kháng, chữa suy nhược: Rượu nhung hươu có tác dụng chống mệt mỏi, giảm căng thẳng, phòng nóng hiệu quả. Đồng thời có tác dụng tăng cường sức khỏe, tăng lượng oxy lên não, kích thích tạo cảm giác ăn ngon, ngủ sâu giấc, nâng cao khả năng miễn dịch của cơ thể.
  • Hỗ trợ điều trị bệnh tim mạch: Những người bị bệnh tim mạch khi sử dụng nhung hươu ngâm rượu với lượng vừa phải có thể điều hòa nhịp tim, đẩy lùi tình trạng rối loạn tuần hoàn mãn tính.
  • Tốt cho tiêu hóa: Sử dụng rượu nhung hươu sẽ kích thích nhu động và bài tiết của đường ruột. Hơn nữa, nhung hươu ngâm rượu đặc biệt tốt với những người bị tiêu chảy, viêm dạ dày mãn và người mắc bệnh về gan.
  • Tăng cường sinh lý: Nhung hươu ngâm rượu giúp đấng mày râu lấy lại bản lĩnh phòng the. Đây là bài thuốc Y Học Cổ Truyền có tác dụng điều trị chứng liệt dương, rối loạn cương dương, hoạt tinh, di tinh,...

Ngoài ra nhung hươu ngâm rượu còn có một số công dụng tuyệt vời khác như:

  • Tái tạo tế bào, giúp làm lành vết thương nhanh.
  • Điều hòa hệ thống thần kinh
  • Cân bằng nội tiết tố cho phụ nữ giúp điều hòa kinh nguyệt, tăng khả năng có thai,...


5. Lưu ý khi sử dụng nhung hươu
 

Tuy nhung hươu là một dược liệu bổ dưỡng mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, nhưng bạn vẫn cần đặc biệt lưu ý một số vấn đề khi sử dụng. Theo Y Học Cổ Truyền, một số trường hợp nên cẩn trọng trong việc sử dụng nhung hươu bao gồm:

  • Người béo phì, cao huyết áp
  • Người mắc các bệnh viêm phế quản, ho đờm, có đàm thấp nhiều.
  • Người bị nóng trong, gan nóng
  • Người hay mất máu, sốt, hẹp van tim...
  • Người đang bị đầy bụng, tiêu chảy, mắc các bệnh truyền nhiễm...
  • Những người đang bị viêm thận nặng nếu dùng nhung hươu có thể gây lở ngứa, ảnh hưởng sức khỏe

Nhung hươu là một vị thuốc quý có nhiều công dụng đối với sức khỏe. Tuy nhiên, việc sử dụng cần phải đúng bệnh, đúng liều lượng. Vì vậy trước khi sử dụng bạn nên trao đổi với người có chuyên môn để được hướng dẫn cụ thể.

Dẫn nguồn từ Vinmec - Link bài viết https://www.vinmec.com/vi/y-hoc-co-truyen/duoc-lieu/thuc-hu-ve-cong-dung-chua-benh-cua-nhung-huou/